Báo cáo chuyên đề “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018”


Chương trình do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương tổ chức, với sự tham gia giảng viên, sinh viên chuyên ngành Toán học của trường ĐH Thủ Dầu Một, giáo viên giảng dạy môn Toán tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái là một trong những thành viên của Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018. Đối với chương trình môn Toán, GS là Tổng chủ biên, “người kiến trúc sư trưởng” trong việc thiết kế toàn bộ chương trình môn Tóan các cấp. Chia sẻ một số vấn đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông môn Toán trong các trường THPT, GS cho biết, với quan điểm “Tinh giảm – Thiết thực – Hiện đại – Khơi nguồn sáng tạo”, chương trình môn Toán kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và các chương trình trước đó, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, nội dung chương trình phải phản ánh đúng giá trị cốt lõi của môn học, chú trọng vào việc giúp học sinh hiểu bản chất “tinh thần toán học”, hình thành năng lực tư duy toán học cho học sinh, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trao đổi về việc đổi mới trong dạy học môn Toán tại các trường THPT hiện nay, GS Đỗ Đức Thái cho biết có hai điểm giáo viên cần lưu ý. (1) Điểm thứ nhất là chuyển từ dạy theo hướng truyền tải nội dung sang dạy học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực Toán học, trả lời câu hỏi “học Toán để làm gì?”. Cụ thể, tập trung xây dựng năng lực Toán học cho học sinh, các thầy cô giáo phải biết cách biến bài học lý thuyết thành một chuỗi hoạt động trong các tiết học giúp học sinh hiểu bản chất một cách đơn giản nhất nhờ vào các ví dụ thực tiễn đời sống và học tập thực chất không đơn giản chỉ là ghi – chép và ghi – nhớ. Trong đó, 5 năng lực các giáo viên cần xây dựng cho học sinh là: năng lực tư duy, lập luận Toán học; năng lực mô hình hóa Toán học; năng lực giải quyết vấn đề Toán học; năng lực giao tiếp Toán học; năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện Toán học. (2) Điểm thứ hai là thầy cô giáo cần dạy học theo hướng “ứng dụng toán học vào thực tiễn”. Đây là điểm mà sách giáo khoa hiện hành và giáo viên ít nghĩ tới. Ví dụ ở bậc THPT mỗi lớp sẽ có 35 tiết chuyên đề tự chọn/năm nhằm giới thiệu cho học sinh về đồ họa, kỹ thuật, bản vẽ cơ bản, tài chính, lãi suất, tín dụng… giúp hiểu biết được thêm nhiều kiến thức, mở rộng tư duy và kích thích vận dụng toán học, từ đó tôi tin chắc học sinh sẽ thích thú với môn Toán vì thấy gần gũi và phục vụ được chính cuộc sống của các em.

Trong khuôn khổ chương trình, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cũng dành nhiều thời gian để lắng nghe, giải đáp ý kiến của giáo viên về nội dung và các phương pháp giảng dạy tạo hứng thú cho học sinh; cấu trúc xây dựng đề thi dành cho học sinh đại trà, học sinh chuyên Toán bám sát nội dung chương trình,…

GS.TSKH Đỗ Đức Thái – Khoa Toán – Tin trường ĐH Sư phạm Hà Nội (Tổng chủ biên chương trình môn Toán năm 2018) đã có buổi báo cáo chuyên đề “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018”

Buổi chuyên đề với sự tham gia giảng viên, sinh viên chuyên ngành Toán học của trường ĐH Thủ Dầu Một, giáo viên giảng dạy môn Toán tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Chương trình do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương tổ chức